Nóng trong tuần: Giải pháp khắc phục thiếu giáo viên; tuyển sinh năm 2023
15:06 - 07/11/2022
GD&TĐ - Giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, thông tin tuyển sinh năm 2023 là một trong số những thông tin giáo dục được quan tâm trong tuần qua.
Nghị trường 'nóng' chuyện thiếu giáo viên
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề cập đến tình trạng thiếu giáo viên, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Chiều 4/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu giải trình tại Quốc hội về một số giải pháp khắc phục tình trạng này.
Bộ trưởng cho biết, theo các con số mà ngành đã công bố, từ nay đến năm 2026, cả nước thiếu khoảng 107 nghìn giáo viên. Chỉ tiêu được duyệt bổ sung là hơn 65 nghìn. Con số 107 nghìn giáo viên là ngành giáo dục tính theo thực tế. Tức là, các vùng miền núi, các điểm trường xa có thể có các lớp học không theo chuẩn. Tại khu vực này, số học sinh sẽ ít hơn, có lớp chỉ có 5-7 học sinh, thậm chí còn ít hơn. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì các điểm trường theo tinh thần: ở đâu có học trò, ở đó có giáo viên.
Theo Bộ trưởng, một trong những khâu cần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên là rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. 2 năm qua, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo và thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục thực hiện vì việc rà soát, sắp xếp ở mỗi tỉnh, mỗi địa phương còn khác nhau.
Bộ trưởng nhắc lại, từ nay đến năm 2026, có hơn 65 nghìn chỉ tiêu nhưng ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa tuyển và nhấn mạnh, một trong những giải pháp là: vừa khẩn trương tuyển số cũ, vừa tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới.
Ngoài ra, số giáo viên theo chuẩn cũ được đào tạo từ trường cao đẳng chưa đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn mới. Lộ trình từ nay đến năm 2030 phải hoàn tất việc bồi dưỡng, nâng chuẩn cho giáo viên.
|
Để có được nguồn tuyển tốt, Bộ GD&ĐT đã tính đến nhiều giải pháp như: nâng cao năng lực các trường đại học sư phạm, nâng chỉ tiêu đào tạo, đặc biệt là ngành đào tạo các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Bộ cũng đang tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến Nghị định 116, tạo điều kiện để các địa phương có thể triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên.
Về giải pháp để ngăn, giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc: Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách liên quan đến nhà giáo. Trong đó, vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, nhất là đối với giáo viên mầm non, tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách.
Một điểm quan trọng nữa là, cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Đặc biệt, về phía xã hội, phụ huynh, học sinh có sự chia sẻ, đồng hành với giáo viên. Sự chia sẻ này cũng là tốt cho học sinh.
Tuần trước đó, phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên tối thiểu 70%.
|
Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục
Trong tuần, vấn đề đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) thể hiện đồng tình với việc đưa sách giáo khoa vào mặt hàng Nhà nước định giá. Dưới góc độ quyền lợi của học sinh, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia độc lập - nhìn nhận: Thực tế, với cùng một nội dung do một tác giả viết nhưng nhà xuất bản khác nhau in ấn sẽ có giá khác nhau. Trong đó, phụ thuộc vào chất lượng giấy, thiết bị và bao gồm cả cách định giá khác nhau của mỗi nhà xuất bản.
“Tôi cũng mong có một mức giá trần không quá cao để ít nhất 70% gia đình học sinh có thể chấp nhận được. Việc này sẽ có giá trị rất lớn trong việc hướng dẫn trẻ thay đổi cách học từ bị động sang chủ động” – TS Hương nêu vấn đề.
Tại Tọa đàm “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay: Theo quy định hiện hành, sách giáo khoa là mặt hàng kê khai giá. Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra quan điểm của mình. Thời gian qua, chúng ta làm tốt công tác này. Qua các lần kê khai giá của nhà xuất bản so với lần công bố đầu tiên, các bộ sách đều giảm từ 3 - 9%.
Tuy nhiên, chúng ta thống nhất rằng, kê khai giá thì đều là thực hiện hình thức quản lý Nhà nước gián tiếp hoặc trực tiếp. Hiện nay, chúng ta có khoảng 17,5 triệu học sinh sử dụng trực tiếp mặt hàng đặc biệt này. Qua nghiên cứu, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chính phủ nghiên cứu đưa mặt hàng sách giáo khoa do Nhà nước định giá.
Thứ trưởng nhắc lại, tại Kỳ họp thứ 3, khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 63, quy định sách giáo khoa là mặt hàng thuộc Nhà nước định giá. Bộ Tài chính đã trình dự thảo dự án sửa đổi này. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản với mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặt vấn đề, làm sao có định giá nhưng không làm mất đi động lực của các nhà xuất bản trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa. Tới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách để hoàn thành mục tiêu đề ra.
|
Ổn định tuyển sinh năm 2023
Trước sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh về công tác tuyển sinh năm 2023, ngày 4/11, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết năm 2023, Bộ GD&ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Về cơ bản, công tác tuyển sinh sẽ giữ ổn định như năm 2022.
Tuy nhiên, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho cơ sở đào tạo, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Một trong những giải pháp là nâng cấp các chức năng của phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung, tăng cường tính năng kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm sai sót. Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển; yêu cầu không sử dụng những phương thức xét tuyển không phù hợp, ít hiệu quả và gây khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Một trong những điểm mới sẽ được áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm 2023 (đã được nêu rõ tại Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non, ban hành ngày 6/6/2022) là thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực 2 năm, là trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào ĐH.
Cùng với đó, cách tính mức điểm ưu tiên có thay đổi so với năm 2022 nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Cụ thể, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định của quy chế.
Trong tuần, thông tin các trường ĐH công bố phương án tuyển sinh cho năm 2023 cũng được dư luận quan tâm.
Ngày 1/11, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã công bố quy chế tuyển sinh ĐH áp dụng từ năm 2023. Đây là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên trên cả nước công bố quy chế tuyển sinh riêng.
Theo đó, trường sẽ giữ chỉ tiêu tuyển sinh ổn định ở mức như hiện nay với phương thức xét tuyển chủ yếu là xét tuyển kết hợp, tinh giản theo hướng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM...
Trước đó, một số trường ĐH đã có phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh năm 2023. Theo đại diện các trường, cách thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cơ bản giữ ổn định như năm trước, nhưng vẫn có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh.
Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long giành huy chương Vàng Kỳ thi Khoa học và sáng chế quốc tế năm 2022. |
Những tin vui giáo dục
Tuần qua ghi nhận một số thông tin tích cực về giáo dục. Một trong số đó là 5 trường ĐH của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu theo Bảng xếp hạng Best Global Universities.
Trong số 5 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu, ĐHQG Hà Nội có thứ hạng 970 thế giới và 258 châu Á; Trường ĐH Tôn Đức Thắng (xếp thứ 223), Trường ĐH Duy Tân (xếp thứ 317), ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh (xếp thứ 1.116) và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (xếp thứ 1.570).
Được biết, trong kỳ xếp hạng lần này, số trường được US News & World Report xếp hạng là 2.165 trường, thuộc 95 quốc gia (năm 2022 có 1.750 trường thuộc 90 quốc gia).
Về giáo dục phổ thông, tại Kỳ thi Toán quốc tế PhiMo 2022, Việt Nam có 2 học sinh đoạt giải Đặc biệt, 6 em đoạt Huy chương Vàng và 10 em giành Huy chương Bạc, 25 Huy chương Đồng và 20 học sinh đoạt giải Khuyến khích.
Kỳ thi Toán quốc tế PHIMO do Ủy ban Olympic Toán học quốc tế tại Philippine cùng nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức. Tại vòng quốc tế có 648 thí sinh đến từ 14 quốc gia gồm: Việt Nam, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Thái Lan, Malaysia, Philipnines, Canada, Đức, Na Uy, Campuchia, Australia, Indonesia, Nhật Bản và New Zealand. Đoàn Việt Nam có 61 thí sinh tham gia.
Kỳ được tổ chức lần thứ 2 ở Việt Nam nhưng đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Có hơn 1.000 thí sinh tham dự thi vòng quốc gia. Ban tổ chức đã chọn 61 thí sinh (đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc) ở các cấp độ khác nhau để tham gia thi vòng quốc tế.
Cũng trong tuần, 9 dự án của đoàn Việt Nam tham gia Kỳ thi Khoa học và sáng chế quốc tế có dự án xuất sắc giành huy chương Vàng.
Một trong số dự án được huy chương Vàng là “Chế tạo máy phát điện dựa trên hiệu ứng điện ma sát” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long gồm 5 em: Nguyễn Bá, lớp 10 C1; Đỗ Thành Hưng, lớp 10 Anh; Trần Thanh Huyền, lớp 11 Anh; Nguyễn Phương Anh, lớp 11C2; Vũ Tuấn Anh Khoa, lớp 10 Tin.
Dự án này còn được nhận giải đặc biệt của Kỳ thi do Hiệp hội các nhà khoa học trẻ Singapore trao tặng.
Kỳ thi Khoa học và sáng chế quốc tế (International Science and Invention Fair – ISIF 2022) được tổ chức trực tiếp từ ngày 1/11 - 5/11/2022 tại Bali, Indonesia.
Kỳ thi năm nay thu hút 32 quốc gia trên toàn thế giới với 507 đề tài, khoảng 1.800 học sinh (độ tuổi từ 11-18) và giáo viên tham gia. Kỳ thi do Hiệp hội các nhà khoa học trẻ Indonesia tổ chức, nhằm truyền cảm hứng khoa học và sáng tạo cho học sinh trên thế giới, tạo cơ hội để các em chia sẻ ý tưởng, học hỏi, giao lưu văn hoá.
Tuần qua, Bộ GD&ĐT công bố danh sách và tiến hành lấy ý kiến nhân dân đối với các hồ sơ xét chọn nhà giáo mầm non tiêu biểu, xuất sắc năm 2022.
Cũng trong tuần, danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2022 xét tại Phiên họp lần thứ X của Hội đồng GS Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 được công bố.Theo danh sách này có 383 ứng viên GS, PGS được Hội đồng GS Nhà nước thông qua. Trong đó có 34 ứng viên GS, 349 ứng viên PGS. Theo quy định, sau ít nhất sau 15 ngày kể từ ngày công bố danh sách, Chủ tịch Hội đồng GS Nhà nước mới ký quyết định công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2022, nếu không có trường hợp nào bị đơn thư khiếu nại.
Nguồn: Báo Giáo Dục - Thời Đại